Bức tường tỏ tình I Love You địa điểm check-in lãng mạn mới tại Đà Lạt

Bức tường tỏ tình tại Đà Lạt vẽ dòng chữ “Anh yêu em” bằng nhiều thứ tiếng ở Đà Lạt trở thành điểm check-in mới vào mùa hè năm nay.

Cách chợ Đà Lạt khoảng 1,3 km, một bức tường xuất hiện không lâu trên đường Bùi Thị Xuân trở thành điểm check-in được nhiều bạn trẻ tìm đến. Toàn bộ tường sơn đen để làm nổi bật dòng chữ “Anh yêu em” màu trắng bằng nhiều thứ tiếng.

Bức Tường Tình Yêu Anh Yêu Em Ở Đà Lạt

Không hoành tráng như nhiều bức tường “I love you” nổi tiếng trên thế giới, tường ở Đà Lạt cao tầm 4 mét, bề mặt được tận dụng từ vách bên hông một ngôi nhà nhưng đủ để bạn “sống ảo”.

Thiết kế đơn giản, những dòng chữ vẽ ngẫu hứng, xiêu vẹo. Hình thần Cupid và mũi tên đánh dấu “love wall” (tạm dịch: bức tường tình yêu), cũng là đặc điểm nhận dạng vị trí này. Do đó, không ít người gọi đây là bức tường tỏ tình dù nó không gắn với câu chuyện đặc biệt nào.

Bức tường tỏ tình "I Love You" địa điểm check-in lãng mạn mới tại Đà Lạt

Nhờ tọa lạc ngay ngã ba, đầu con hẻm nên bạn chỉ cần chạy xe ngang qua là có thể nhận thấy ngay lập tức. Bên cạnh đó, nó nằm trong trung tâm thành phố, gần văn phòng của nhiều hãng xe khách nên đây là gợi ý không tồi dành cho bạn khi đến Đà Lạt vào sáng sớm và chưa biết đi đâu, hoặc tranh thủ chụp ảnh trong lúc chờ khởi hành.

Mặt khác, từ chỗ bức tường đến khu Hòa Bình – nơi tập trung nhiều hàng ăn vặt – chỉ tầm 950 mét, khá tiện để bạn ghé chơi sau khi “càn quét” đủ món đặc trưng của phố núi.

Bức tường tỏ tình "I Love You" địa điểm check-in lãng mạn mới tại Đà Lạt

Tốt nhất bạn nên đến đây vào ban ngày, bất kỳ thời điểm nào đều được vì có ánh sáng thì chụp hình sẽ đẹp hơn so với ban đêm. Ngay đầu hẻm có một xe cà phê mang đi với giá 10.000 – 12.000 đồng/ ly nhâm nhi trong lúc chụp ảnh.

Ngoài ra, bạn có thể kết hợp khám phá thêm ba địa điểm khá hot gần đó là bức tường Cối xay gió, bức tường Vọng nguyệt lầu và góc Hongkong gần chợ Đà Lạt. Nếu yêu thích phong cách cổ điển thì đây là một gợi ý hay ho dành cho bạn.

Đường Đến Bức Tường Tình Yêu

Bức tường tình yêu nằm tại địa chỉ: Hẻm 186 Bùi Thị Xuân, Đà Lạt, theo bảng đồ bên dưới, bạn sẽ dễ dàng đi đến được bức tường tình yêu này, từ trung tâm thành phố Đà Lạt, ngay bên xe thành Bưởi Phan Bội Châu.

Những Bức Tường I Love You Trên Thế Giới

Cụm từ “I Love You” được chuyển tải bằng 300 ngôn ngữ khác nhau, trở thành biểu tượng tình yêu vĩnh cửu của các lứa đôi…
Những cụm từ “Ek’s lief vir jou”, “Ti-amo”, “Eg elskar deg” lần lượt là tiếng Nam Phi, Ý và Na Uy với cùng một ý nghĩa là “Anh yêu em/Em yêu anh”.

Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy cả 3 cụm từ này cùng với gần 1.000 “lời tỏ tình” khác tại nơi được cho là lãng mạn nhất trong thành phố tình yêu Paris – bức tường “I love you” (Anh yêu em/Em yêu anh).

Bức tường này được đặt tại phía Bắc Paris, thuộc quảng trường Abbesses và khu Jehan Rictus, đồi Montmartre. Nó có bề mặt được làm bằng gạch men có diện tích khoảng 40m vuông.

Phía bên trên bức tường là cụm từ có nghĩa “Anh yêu em/ Em yêu anh” phủ kín 1.000 lần bởi hơn 300 ngôn ngữ khác nhau.

Bức tường này được tạo nên bởi 2 nghệ sĩ Frederic Baron và Claire Kito. Nó được coi là địa điểm hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi cũng như đài tưởng niệm cho sự tôn thờ tình cảm vĩnh cửu.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1992 khi nhạc sĩ Frederic Baron quyết định thu thập cụm từ “Anh yêu em” từ những người khách nước ngoài lạ mặt ông gặp trên đường phố Paris.

Sau khi hỏi, ông nhờ người đó ghi lại vào cuốn sổ của mình bằng 1 trong 4 màu mực: xanh biển, xanh lá, đỏ hoặc đen. Phía dưới từng dòng chữ, Baron sẽ ghi chú loại ngôn ngữ, quê hương người viết, cách đọc và dịch nghĩa sang tiếng Pháp.

Sau một thời gian thu thập, cuốn sách “Le livre de je t’aime” đã được xuất bản năm 1998 với hơn 50.000 bản được phát hành trên khắp nước Pháp.

Quyển sách chính là tập hợp những gì ông đã sưu tầm được trong suốt thời gian qua, như nhan đề của nó – cuốn sách của dòng chữ “Anh yêu em”.

Dưới bàn tay “phù phép” của nghệ sĩ thư pháp phương Đông – Claire Kito, 2 năm sau, bức tường “Anh yêu em” xuất hiện và trở thành một địa điểm nổi tiếng với các cặp đôi.

Bên cạnh những dòng chữ khắc được viết từ trước, du khách đến đây cũng có thể tìm thấy những thông điệp tình yêu được để lại bởi các đôi uyên ương cùng sự ngưỡng mộ trước bức tường tình yêu này.

Những người yêu thích sự đa dạng của ngôn ngữ hay các cặp vợ chồng (già hay trẻ) đều tìm thấy cho mình một ý nghĩa từ bức tường này. Với họ, đó là quãng thời gian để hồi tưởng về một tình yêu lãng mạn, nguyện cầu về tương lai hạnh phúc.

Bức tường như nói hộ tiếng lòng của những người đã yêu, đang yêu và sắp yêu. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, ngôn ngữ của tình yêu vô cùng kỳ lạ, hiếm khi cần một dịch giả.

Trong một thế giới vẫn còn tràn ngập bạo lực và sự chi phối của các cá nhân riêng lẻ, bức tường giống như biên giới ngăn cách con người, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi chính đồng loại của mình.

Ngược lại, Frederic Baron đã biến bức tường tình yêu của mình thành một cây cầu, nơi liên kết và hòa giải, một tấm gương phản ánh hình ảnh của tình yêu và hòa bình.

Frederic Baron cho biết: “Những cụm màu sắc bùng nổ trên các bức bích họa tượng trưng cho những mảnh của một trái tim tan vỡ. Trái tim đâu phải lúc nào cũng nguyên vẹn, đôi khi cũng bị “xé rách”. Do đó, bức tường này chính là nơi cố gắng tập hợp, hàn gắn chúng lại với nhau”.